Đoàn Cứu Trợ Tu Viện Liên Tâm đến Bắc Trà My, Quảng Nam

Con đường ngoằn ngoèo, lầy lội đưa đoàn chúng tôi - thay mặt cho Thượng Toạ Trụ Trì và quý Phật Tử Tu Viện Liên Tâm, Phần Lan, đến với Trà Giáp và Trà Ka, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam. Hai xã nằm sâu trong núi, bị cô lập cả 10 ngày nay do sạt lở núi. Đây là nơi sinh sống của đồng bào thiểu số người Co và Xơ Đăng

Trà Giáp và Trà Ka, Bắc Trà My, Quảng Nam

Trận bão lũ vừa qua, đây là hai xã thiệt hại nặng nề nhất của huyện Bắc Trà My. Đường đi ngoằn ngoèo, qua hàng chục điểm sạt lở với không biết bao nhiêu nghìn tấn đất đá, cây cối tràn xuống hai bên đường. Những khe suối rách toạc thành những miệng hố dài. Cành cây, rác rến, đồ đạc quấn quanh thân cây. Đất đai trơ trọi cùng những đống đá lởm chởm. Đoàn xe của chúng tôi chốc chốc phải dừng lại chờ xe múc san gạt đất đá, gạt cây ngã đổ mới đi qua được.

Khu vực bị cô lập, sạt lở, đường xá lầy lội hiểm trở
Những ngôi nhà sàn tạm bợ, vốn đã liêu xiêu bên triền núi, nay càng tiu đìu, quạnh hiu. Có nhà như bị xếp lại, có nhà bay hết nóc. Khung cảnh tan hoang!
Nước dưới khe vẫn quanh co triền dốc; đỉnh núi trắng mờ không rõ là khói, là sương hay là mây? Nhưng sao chẳng có chút gì thơ mộng cả mà lại in đậm nét dữ dằn vết tích sau một cuộc bể dâu?

Chúng tôi lên tới Trà Ka lúc 10h30'. Bà con đã đứng đó đợi chúng tôi có lẽ từ mờ sáng. Theo lời họ kể, họ đã dậy từ 3h sáng và lội bộ đến được trung tâm của xã. Chúng tôi phát bánh mì cho bà con ăn đỡ đói rồi trao quà và tiền mặt. Gương mặt ai cũng lộ nét mừng vui. Chúng tôi rất mệt, nhưng cũng rất vui. Chưa bao giờ chúng tôi thấy ấm lòng như vậy.

Bà con đã xếp hàng, chờ đợi từ lâu. 

Không thể chậm trễ vì trên này lũ có thể xuống bất cứ lúc nào, có thể sẽ bị kẹt lại giữa núi rừng nên tất cả đều khẩn trương quay xe xuống Trà Giáp. Dọc đường, chúng tôi ghé vào một số nhà ven đường để trao quà và tiền cho họ.

Xuống Trà Giáp, bà con ở đây đã tập trung sẵn rồi. Mưa và lạnh! Xã này, người lớn không dắt trẻ con theo nên chúng tôi gửi mỗi người thêm mấy gói kẹo nữa.

Bà con nhận quà đã đủ, nhiều người đã ra về trong niềm vui toát ra từ ánh mắt, tôi bỗng nhìn sang phía góc tường bên kia, nơi đó có hai cô bé và một cụ già trên tay không xách quà. Tôi lại gần hỏi:
"Cụ và các con đã nhận được quà chưa?"
Cụ già nhìn tôi lắc đầu, nói giọng buồn buồn:
"Mình không có tên."
"Đây là hai cháu của cụ à?"
Cụ lại lắc đầu. Bé lớn hơn, đứng ngoài cùng đưa tay chỉ bạn cạnh mình nói:
"Dạ, bạn này ở làng bên nên không có tên, bạn ấy mất hết cha mẹ, chỉ còn một bà nội thôi. Nghe nói có đoàn cho quà, con dắt bạn đến."
Trong tôi trào dâng nỗi niềm xúc động nghẹn ngào không diễn tả hết được. Cặp mắt to tròn, ngây thơ nhìn tôi: 'ba mẹ con chết hết rồi" như xoáy vào tâm can tôi.  
"Cụ và hai con đứng y đó, đừng có đi đâu nghe!"
Thế là, chỉ trong phút chốc, cả ba đều có quà và rất nhiều tiền nữa do các anh chị em trong đoàn góp thêm.

Chút niềm vui của cụ già và hai em nhỏ

Rời Trà Giáp, chúng tôi xuống di chuyển nhanh đến Thị trấn Bắc Trà My vì sợ lũ. Tại đây, chúng tôi đã được mời cơm chay miễn phí do các chị em Phật tử phục vụ cho các đoàn thiện nguyện lên Bắc Trà My và Nam Trà My. Thật vui vì trong những ngày này đi đến đâu cũng thấy các đoàn cứu trợ của các chùa. Những chiếc áo nâu, áo lam tràn ngập giữa các vũng bão lũ, giữa các bữa cơm đầy tình nghĩa thế này!

Quán thuần chay phát tâm phục vụ miễn phí các đoàn cứu trợ

Chúng tôi về đến nhà khoảng 17h30'. Tối hù! Điện đài mất từ bữa bão đến giờ vẫn chưa có lại. Mệt nhưng hoan hỉ vô cùng, mọi người nán lại cùng chia sẻ niềm vui. Chúng tôi đang hình dung cảnh sum họp bên bếp lửa hồng của người dân Trà Giáp, Trà Ka tối nay.

Thăng Bình, ngày 05/11/2020
Lê Thị Phương Trâm

Số tiền cứu trợ do quý Phật tử và đồng hương Việt Nam tại Phần Lan đóng góp đã được tu viện gửi về cho các đoàn cứu trợ của Tu Viện tại Việt Nam do Thầy Huyền Chí, thầy Trí Viên tại Huế và cô giáo Phương Trâm - mẹ của Sư Chú Thông Tuệ tại Quảng Nam làm trưởng đoàn.
Riêng tại Quảng Nam, đoàn của cô giáo đã đi đến hai địa phương miền núi là Nam Giang và Bắc Trà My để trao khoảng 300 suất quà, mỗi suất trị giá khoảng 500 ngàn đồng, bao gồm các loại thực phẩm, mền, đồ ấm (do đoàn từ thiện tự chuẩn bị, tự may thêm). Bên cạnh đó, đoàn cũng đã trực tiếp đến thăm cho quà những gia đình nghèo khó ở những nơi không nhận được sự cứu trợ.
Theo kế hoạch, ngay sau khi đường xá được lưu thông, đảm bảo an toàn, đoàn sẽ đi tiếp tục đi đến huyện Tây Giang, khu vực sát biên giới Lào, khu vực này đã bị cô lập khoảng một tháng.