Vu Lan 2024
Every year during the seventh lunar month, Vietnamese Buddhist monasteries around the globe come alive
Sư Phụ của tôi đã nhấp kéo xuống tóc cho biết bao nhiêu người rồi, Người đợi mãi chẳng thấy cô đệ tử chỉ gặp toàn nghịch duyên trong cuộc sống, đến tác bạch thưa trình xin Ngài xuống tóc, cho dù chỉ là vài ngày hay vài tuần gieo duyên.
Những tấm hình chụp các Giới tử trong khóa tu xuất gia gieo duyên tại chùa Liên Tâm ở Phần Lan do Thầy Nguyên Tạng gửi, khiến tôi chấn động tâm can thầm cảm phục các vị Phật tử tại gia này. Họ dám làm những việc mà tôi đây, tuy mang tiếng đã mon men bên cửa Phật hơn hai chục năm rồi vẫn chưa có can đảm thực hiện.
Thọ Bát Quan Trai ư? Cũng quá dễ! Chỉ chịu khó làm "Ni Cô chải tóc bên dòng Suối" một ngày một đêm thôi là tích lũy được bao nhiêu công đức. Ở chùa Linh Thứu của tôi còn được lạy Ngũ Bách Danh khỏe bằng thích! Tôi đây tham dự dài dài, không thiếu khóa nào, chỉ trừ trường hợp đi ta-bà vân du đây đó!
Thế nỗi khổ tâm của tôi nằm ở chỗ nào? Tại sao đến giờ tôi vẫn ngồi ngưỡng mộ các vị đầu tròn áo vuông, mà không bước vào được Cửa Không như họ?
Vấn đề mấu chốt vẫn là mái tóc, sự khác biệt giữa Thọ Bát Quan Trai và xuất gia gieo duyên chỉ khác nhau ở "đường tơ kẽ tóc". Cái tôi chưa vượt qua được là sợ khi về đến nhà với cái đầu tròn không tóc, Chàng của tôi sẽ phản ứng ra sao? Có còn "Người ấy thường hay vuốt tóc tôi" nữa không?
Có nghĩa là "gia duyên của tôi còn ràng buộc", hiện giờ chưa thể thực hiện được, nhưng ai biết được mai sau? Cứ làm tốt trong tình trạng mình đang có và nuôi ý chí phấn đấu cho ước nguyện tương lai. Tôi nghĩ sẽ "Đại công cáo thành" chiến thắng trận giặc lòng thôi!
Tôi muốn phân tích những điểm tôi "không thể", hoặc "chưa thể" mà 20 vị Giới tử kia "có thể" thực hiện được, để thấy chuyện "Đi Tu không phải dễ", đề tài tôi nêu ra khá gay cấn.
Sáng nào cũng như sáng nào, ngày lẻ cũng như ngày chẵn, cứ đồng hồ gõ năm tiếng là bừng mắt dậy, sửa soạn công phu khuya. Cái thời khóa biểu như đinh đóng cột ấy không chút đổi thay, ở Việt Nam còn dậy sớm hơn. Chỉ một điểm nhỏ này thôi, tôi đã phục các vị rồi!
Sang đến Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm, chỉ cần lắng nghe các vị tụng ro ro, thật nhanh và thật đều, tôi đã thấy lòng thanh thoát như ở trên mây không vướng bụi trần. Đừng ai hỏi tôi đã thuộc tới phẩm nào rồi, chỉ thêm xấu hổ, vì trong đầu chỉ biện hộ cho cái không quyết tâm của mình bằng câu: "Đi lính sợ Ải, làm Sải sợ Lăng Nghiêm".
Sang đến vấn đề "Về đâu mái tóc người thương" tôi đã nói ở phần trên. Tôi không muốn như trường hợp cô bạn Đạo của tôi, đi tu gieo duyên về phải đội tóc giả thấy mà ghê! Tóc thật đây tôi còn chê, chỉ chờ dịp thuận tiện là nhấp kéo cạo ngay, chứ nói chi đến tóc giả.
Tôi nhớ lần sang Bồ Đề Đạo Tràng bên Ấn Độ, tôi đã bỏ lỡ dịp may thuộc loại Nghìn năm một thuở, không chịu đưa đầu cho Thầy Hạnh Nguyện cạo ngay tại gốc cội Bồ Đề để gieo duyên một lần trong kiếp này. Trong cảnh ấy khiến ai cũng rơi nước mắt! Xúc động đến tâm can.
Nhưng Thầy đã thành công trong việc xuống tóc cho cô đệ tử người gốc Quảng Ninh, mang tiếng đại gia, mỗi tuần đi làm tóc ít nhất triệu bạc trở lên. Thế mà cô nàng dám vất bỏ Suối tóc mượt mà tại gốc cây Bồ Đề nơi xứ Phật để tu gieo duyên, hành động ấy không tán thán không được!
Sẵn nhắc đến xứ than Quảng Ninh, sắp trở thành đặc khu Vân Đồn của người bạn láng giềng lúc nào cũng lăm le cướp nước, các bạn cho phép tôi đi lạc đề chút xíu. Cũng chuyện ngôi chùa Ba Vàng hay Bốn Bạc gì đó, vị Sư Trụ trì giảng Pháp của Như Lai kiểu gì mà cho việc "Áp vong nhập hồn, Oan gia trái chủ" nằm trong thời Pháp đầu tiên "Tứ Diệu Đế", tức bốn sự thật nhiệm mầu giảng tại Vườn Nai cho năm anh em Kiều Trần Như.
Cũng đành bó tay thôi!
Các bạn đã biết, muốn đi Tu cũng phải có căn cơ, gieo duyên nhiều kiếp, chứ không phải cạo đầu là xong. Cạo tâm khó hơn cạo đầu vạn lần, vạn kiếp. Trong Chùa biết bao nhiêu người gieo duyên đủ khóa, nhưng vẫn chưa đủ duyên để xuất gia trong kiếp này. Thôi đành hẹn lại kiếp sau!
Chắc tôi và cô bạn văn Trần Thị Nhật Hưng cũng cùng chung số phận, người khổ vì tình, kẻ khổ vì tiền (cô không phải đại gia, cô cũng chưa chết, chỉ có căn nhà tôn xóm lao động không đáng bao nhiêu tiền tại Sài Gòn, thế mà con cháu hai bên tranh dành như xé xác cô ra làm trăm mảnh) chán quá nên hai đứa tôi có lần định kéo nhau lên Cực Lạc Cảnh Giới tại Chiangmai Thái Lan để nhập thất một tháng, vừa tu tập giải nghiệp vừa đọc các bộ Đại Tạng Kinh bằng tiếng Việt. Quyết tâm có vẻ dũng mãnh thế, mà Nhật Hưng lại đòi ở chung một thất với Hoa Lan vì sợ Ma. Chỉ một đòi hỏi đơn giản thế thôi mà lý tưởng xuất gia của chúng tôi đã tan tành theo mây khói.
Sư Phụ của tôi đã nhấp kéo xuống tóc cho biết bao nhiêu người rồi, Người đợi mãi chẳng thấy cô đệ tử chỉ gặp toàn nghịch duyên trong cuộc sống, đến tác bạch thưa trình xin Ngài xuống tóc, cho dù chỉ là vài ngày hay vài tuần gieo duyên.
Các bạn cứ chờ xem, nếu ngày ấy có đến, tôi hứa sẽ ngồi viết bài tường thuật thật đầy đủ, rồi tung lên các trang mạng như hoa trời trổi nhạc mừng ngày Hoa Lan đã thắng tất cả các trận giặc lòng.
Hoa Lan - Thiện Giới.
Nguồn: www.quangduc.com